"Mẹ ơi vì sao không có cánh, không biết bay mà vẫn được gọi là chim hả mẹ", tôi hay hỏi mẹ câu hỏi này thuở bé, mỗi lần mẹ dắt tôi ra cửa hàng thú nhồi bông "Đại dương xanh". Mẹ chỉ thường đáp ngắn gọn rằng "bởi chúng là những loài chim khiếm khuyết con ạ".
Câu trả lời ấy không thỏa mãn được trí tò mò của một con nhóc quậy nghịch như tôi. Tôi thường tự hỏi mình câu hỏi ấy và tự nghĩ rằng hay là chúng lười bay cũng như tôi lười học, chứ không biết bay thì làm sao mà có thể gọi là chim. Thế là tôi nghĩ ra vô vàn cách di chuyển cho chúng. Nào là chúng đi bằng chân này, nào là chúng bò sát dưới mặt đất này và cuối cùng là một ý tưởng khá táo bạo của một con nhóc vô cùng ngây thơ lúc ấy, tôi quyết định hứng một chậu nước đầy và nhúng những chú chim khiếm khuyết bằng nhựa vào chậu, sau đó tôi tập cho chúng bơi. Có lẽ một hình tượng về "Đại dương" đã nhen nhóm trong tôi từ lúc ấy.
Lớn lên một chút, nhà mua được tivi, lần đầu tiên những chú chim khiếm khuyết ấy không chỉ đơn thuần là những món đồ chơi nhỏ bằng nhựa nữa, mà chúng đã hiện ra trước mắt tôi. Không chỉ một con, hai con mà cả đàn ục ịch, béo ú, nặng nề di chuyển. Tôi được nghe tiếng chúng kêu, tôi nhìn thấy chúng bơi dưới lòng đại dương sâu thẳm, xem chúng bắt cá... nhưng không chỉ có một loài chim béo ú không biết bơi, mà tôi còn được biết thêm một loài khác nữa, loài này còn "dở" hơn cả loài béo ục ịch kia. Chúng không bay được, thậm chí còn không thể bơi được, cái mỏ thì nhọn hoắt, dài ngoằng, hình dáng thì chả khác con gà là mấy... Còn nhớ lúc ấy tôi vội vàng đi hỏi mẹ "mẹ ơi thế gà cũng được gọi là chim hả mẹ?"
Có thể nói đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy đại dương xanh thẳm, được nghe tiếng chim cánh cụt kêu, được biết đến loài chim kiwi và rồi những điều kỳ lạ ấy ám ảnh vào tâm trí non nớt của tôi lúc nào không hay. Từ một sự tò mò, từ những trí tưởng tượng đã biến thành một tình yêu tự nhiên trong tiềm thức, mà có lẽ chính tôi cũng không hề hay biết.
Rồi tôi quên những hoài niệm tuổi thơ, vùi đầu vào học tập như bao đứa trẻ khác để tìm một con đường cho tương lai. Cho đến một ngày tôi gặp em, người con gái định mệnh của cuộc đời, thì tôi hiểu mình cần làm gì, cần đi đến đâu và nơi nào sẽ là bến đỗ cho hạnh phúc của chính mình.
Tôi bắt đầu mường tượng lại những ký ức của tuổi thơ, những làn nước trong xanh của đại dương sâu thẳm, những chú chim cánh cụt ục ịch sống vô tư lự, những chú chim kiwi xinh xắn với chiếc mỏ dài ngộ nghĩnh... Tôi nghĩ về những tiếng sóng vỗ bờ giữa ánh nắng chói chang, những chiếc du thuyển trắng, ở nơi ấy, tôi và người con gái tôi yêu có thể tự do trao nhau những cái hôn, có thể nhìn nhau trìu mến, có thể nghĩ đến một gia đình nhỏ thực sự mà ở những nơi khác tất cả điều tự nhiên và giản đơn ấy như một điều xa xỉ. Nó sẽ rất khó đạt đến và thậm chí chỉ mãi mãi là những ước mơ xa xôi, hay là sự khổ đau đầy những tủi nhục và nước mắt...
Từ những tiềm thức thời thơ bé cùng với một khát khao được là chính mình, tôi đã tìm đến New Zealand như một điều vô cùng tự nhiên... ví chăng có một sự khiếm khuyết tương đồng giữa tình yêu của chúng tôi và những loài chim ấy...
Và rồi một lần nữa tôi trở về thời thơ bé, dùng trí tưởng tượng của mình bay qua New Zealand. Chả mấy chốc bộ tộc Maori đã hiện ra trước mắt tôi. Tôi nghe tiếng tù và thổi một hơi rất dài, tiếp sau đó là tiếng reo hò nhộn nhịp, tiếng bước chân rầm rập. Tất cả bắt đầu ngày mới như thế, sôi động, náo nhiệt và đầy sức sống.
Văn hóa Maori mang đậm tính chất cộng đồng, được xây dựng trên một nền tảng rất nguyên tắc với sự thống nhất và tổ chức rất cao. Bên cạnh đó, điều khiến họ trở nên đặc sắc chính là những lễ hội văn hóa truyền thống, những điệu nhảy kỳ thú, những trang phục độc đáo và điều khiến tôi ấn tượng hơn cả là văn hóa hình xăm đa dạng, trông khá dữ tợn. Người Maori giỏi về công việc đóng thuyền, chạm khắc và thậm chí cả làm tên, làm nỏ. Bản chất của những con người Maori bình dị, chất phác, bao dung nhưng cũng không kém phần gan dạ, dũng cảm, kiên cường, bất khuất. Lịch sử đã chứng minh điều đó.
Sự hình thành nên đất nước New Zealand ngày nay đã trải qua khá nhiều biến động và cái giá phải trả cho quyền được sống, quyền được làm chủ trên chính mảnh đất quê hương là máu xương của bao con người Maori hùng dũng. Những cuộc giao tranh giành độc lập với thực dân châu âu trở nên khốc liệt từ nửa cuối thế kỷ 19. Thời gian ấy tuy chưa đủ để gọi là dài nhưng cũng đủ để người Maori tự hào hát nên một bản thiên anh hùng ca hoành tráng ""God Defend New Zealand" khẳng định quyền tự chủ của chính mình. Maori ngày ấy và cả những thế hệ sau này, nghìn đời nối tiếp nhau để tạo nên một đất nước New Zealand ngày nay trù phú, giàu đẹp, hòa bình, là một trong những quốc gia rất đáng sống trên thế giới.
Nơi tiếp theo tôi mơ mộng đến là thủ phủ của New Zealand - Wellington. Tôi không thể dùng từ xa hoa, tráng lệ để miêu tả bởi có lẽ Wellington nghiêng về một phẩm chất bình dị, yên lành. Tôi có thể nhìn thấy toàn thành phố từ trên cao (bởi vì tôi đang bay), tòa nhà chính phủ và đây rồi, trường đại học Victoria cổ kính, với lối kiến trúc khá tương đồng với Cambrige và Oxford của Anh. Nhưng có lẽ không chỉ tương đồng về kiến trúc, mà còn về chất lượng giảng dạy, đào tạo, vì thế nên mỗi năm, lượt du học sinh quốc tế đến đây là một con số khá ấn tượng.
Nếu bạn yêu thích thành phố cảng và muốn ngắm nhìn sự chen chúc của những chiếc thuyền buồm, hãy cùng tôi đến Auckland. Nơi đây, hàng trăm chiếc buồm nhỏ chen nhau, đông đúc và có vẻ chật chội. Auckland là thành phố tập trung nhiều dân cư và chẳng có gì ngạc nhiên khi tôi tìm được những bức ảnh về sự tắc đường trong giờ cao điểm. Tôi có thể nghe thấy tiếng còi xe, còi tàu nhôn nhịp, những bước chân vội vã nhưng tôi cũng có thể chắc chắn về sự trật tự và tinh thần tự giác cao đúng với bản chất con người nơi đây.
Tôi khao khát cuộc sống hạnh phúc của con người New Zealand biết chừng nào. Họ thân thiện, năng động, tràn ngập sức sống. Họ yêu, họ sống, hòa hợp với thiên nhiên, hòa hợp với những bản năng tự nhiên nhất của con người. Nơi đây, sự tự do và bình đẳng luôn là hai yếu tố được tôn trọng tuyệt đối. Bất giác tôi chợt mỉm cười. Nụ cười giống như nụ cười trẻ thơ ngày bé khi cảm thấy được hạnh phúc. Tôi tin rằng trên đất nước New Zealand tuyệt diệu, tất cả những đứa trẻ đều đang mỉm cười như tôi. Hãy nhìn vào nụ cười của những đứa trẻ vì đó là minh chứng tuyệt vời nhất cho một niềm hạnh phúc viên mãn. Và hy vọng rằn, tất cả trẻ em trên thế giới đều có quyền được hưởng những nụ cười như thế.
Cuối cùng, tôi hạ cánh tâm hồn mơ mộng đến nơi mà tiềm thức ấu thơ tôi luôn ao ước được thấy. Đại dương xanh New Zealand cùng những chú chim cánh cụt tinh nghịch. Tôi nhìn thấy những chiếc du thuyền trắng nhấp nhô theo nhịp điệu của sóng biển, tôi nghe thấy tiếng sóng ngày một mạnh hơn, cảm nhận được hơi thở của gió biển và những ánh nắng đỏ nhạt của một buổi chiều sắp tàn. Tôi cảm nhận được mình đang nắm tay người con gái của cuộc đời tôi, cùng em nhìn ngắm hoàng hôn, cùng em hòa mình trong những làn gió biển và tiếng sóng xanh mát, trong trẻo... Tôi cảm nhận được gia đình nhỏ của mình đang hiện diện nơi đây, những đứa con tôi đang chạy nhảy, tôi nhìn chúng bằng ánh mắt ngập tràn hy vọng. Thế là từ nay, đại dương xanh không còn là tên cửa hàng hay màn hình tivi nữa, mà nó đã trải dài ra trước mắt các con tôi. Những đứa trẻ có quyền tự do chao lượn như những cánh hải âu và bay đến những chân trời xa xôi hơn mà chúng muốn.
Tôi chợt nhớ đến câu trả lời của mẹ ngày xưa... Phải chăng khiếm khuyết chính nó cũng là những điều đẹp đẽ... Đứa con gái nhỏ bỗng chạy lại ôm cổ tôi, rồi thì thầm: "ba ơi, vì sao không có cánh, không thể bay mà vẫn được gọi là chim hả ba". Tôi sẽ mỉm cười với con mà trả lời "chúng đã cho đi những đôi cánh để đưa gia đình ta tới một miền đất hứa con yêu ạ".
Phạm Quỳnh Như